Du xuân miền sơn cướcĐã thành thông lệ, khi hương trầm gọi tết lan trên phố, trên núi hoa đào kết nụ, mận nở trắng vườn, khi đồng bào dân tộc thiểu số ủ rượu ngô vào góc bếp, xay bột làm bánh, sắm sửa váy áo mới cho mùa chơi hội mới, dân đi lại thấy náo nức trong lòng.
Mùa xuân, mùa khởi đầu cho một năm mới và những hi vọng mới. Mỗi người, mỗi nhóm đi sẽ có một hành trình xê dịch cho riêng mình, dù ở trong nước hay ngoài nước, nhưng du xuân - đến hẹn lại đi!
>> Những lễ hội không thể bỏ qua dịp đầu xuân
Ngắm mây ở Sìn Hồ (Lai Châu)
Chơi xuân ở Mường Ế (Thuận Châu, Sơn La)
Du xuân đã trở thành sở thích của nhiều người, đặc biệt là dân du lịch bụi. Họ chọn cách “tống tiễn năm cũ, chào năm mới” cho riêng mình bằng cách khám phá miền sơn cước...
Trên những nẻo đường Đông - Tây bắc
Với chiếc xe máy và bạn đồng hành, chúng tôi đi tìm mùa xuân trên núi, nơi những cánh hoa đào, hoa mai căng mình khoe sắc trong giá lạnh và tưng bừng những lễ hội đón mừng năm mới của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.
Đông - Tây Bắc mùa xuân luôn là điểm đến đáng thèm muốn của nhiều dân đi. Nơi ấy có con đường ngập nắng ngược dòng sông Mã đi về Điện Biên Đông, nơi người Thái nắm tay nhau múa vui dưới gốc cây gạo đỏ.
Thiên đường của đào rừng, đào mốc đã chuyển từ Mộc Châu (Sơn La) về cao nguyên Sìn Hồ (Lai Châu). Những cánh hoa báo xuân khỏe khoắn nở bung trên cành, dọc theo con đường bềnh bồng mây trắng nối bản làng của người Dao với người Mông.
Cái thú chạy xe lang bạt dọc đường quốc lộ qua địa bàn Sơn La, Lai Châu luôn đem lại cho người lãng khách những điểm dừng chân thú vị.
Bất kỳ nơi nào có người dân tộc tụ hội, nơi ấy có niềm vui. Ký ức trong tôi luôn ghi nhớ hình ảnh những cô gái chàng trai e dè dưới tán ô xòe trên đèo Hồng Thu Mèo (quốc lộ 12 nối Điện Biên với Lai Châu - Lào Cai) hay chiếc khăn đội đầu hoa cúc rực rỡ của người phụ nữ Mông chơi ném còn ở Mường Ế (Thuận Châu).
Điều giản dị ấy của Tây Bắc luôn làm trái tim người lữ hành run lên vì hạnh phúc, với những khoảnh khắc thật dịu dàng.
Nếu muốn được hòa mình vào không khí lễ hội tưng bừng và sôi động thì đi về Pha Long hay Simacai (Lào Cai) để chơi hội say sán, gầu tào. Lễ hội đón xuân mới của người Mông ở đây luôn được tổ chức trong ba ngày Tết âm lịch (từ mồng 4 đến mồng 6) với nhiều hoạt động văn hóa như cúng tế, cầu phúc, hát giao duyên, chơi hội (ném còn, chọi trâu, đu quay, thi chim hót...).
Cả một vùng núi đồi tràn căng sức xuân bởi sắc màu của váy áo, xôn xao bởi tiếng cười nói của đồng bào. Chẳng phải khi chúng ta đi du xuân là đi tìm những cảnh sắc này sao?
Ở phía Đông Bắc, cao nguyên đá Đồng Văn luôn ghi thương nhớ sâu sắc trong lòng dân đi. Không chỉ chinh phục du khách bằng vẻ đẹp lộng lẫy, hiểm trở và oai hùng của điệp trùng núi đá tai mèo, Hà Giang còn hấp dẫn bởi những phiên chợ tươi tắn sắc màu và đậm đà bản sắc văn hóa.
Đám trẻ con với nụ cười tươi tắn xua tan đi mùa đông buốt giá trên đỉnh cao Mã Pì Lèng luôn là ngọn lửa nhỏ làm ấm lòng người lữ khách đường xa.
Và, những bất ngờ Tây nguyên
Khi dân đi bụi miền Bắc có quá nhiều cung đường để lựa chọn cho mùa xuân thì ở phương Nam nắng ấm, nhiều người chọn Đà Lạt, Buôn Ma Thuột uống cà phê mừng năm mới. Ở đó có những vùng đất mà khi đặt chân đến chắc chắn bạn sẽ kinh ngạc vì phong cảnh duyên dáng và hấp dẫn.
Có dịp đặt chân tới những đồi cỏ ở xã Gào, cách trung tâm thành phố Pleiku chưa đầy 10km, du khách sẽ như lạc vào những đồng cỏ đang vào độ chuyển mùa, màu nâu rạ, lác đác vài thân cây hanh gầy, trụi lá.
Đôi khi bắt gặp những đàn bò gặm cỏ trên triền đồi cỏ cháy dễ làm người ta liên tưởng đến những bộ phim “cao bồi” ở miền Viễn Tây nước Mỹ. Khác chăng, ở đây là những “cao bồi” nữ vác gùi, miệng phì phèo tẩu thuốc, lùa đàn bò du mục qua những đồi thông tìm cỏ.
Sáng tác ảnh vạt cỏ đuôi chồn dọc đường - Ảnh: Tiến Thành
Đồng bào Jrai uống rượu cần trong lễ pơ thi ở làng Pi, xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai - Ảnh: Tiến Thành
Đồng cỏ xã Gào, TP Pleiku mùa khô giống như miền Tây nước Mỹ - Ảnh: Tiến Thành
Mùa xuân đến, rừng thông quanh Biển Hồ cũng chuyển sang những gam màu như cảnh sắc mùa thu châu Âu. Màu xanh của chồi non, màu nâu đỏ của những tán lá già, màu tim tím, biêng biếc của mặt hồ... tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên đủ sức quyến rũ mọi bước chân du khách.
Núi lửa Chư Đăng Ya trơ khấc trong mùa mưa, nay khoác trên mình vạn đóa dã quỳ vàng rực như nàng công chúa tỉnh giấc yêu kiều và quyến rũ. Trên đường lên Chư Đăng Ya, màu tim tím của cỏ đuôi chồn phất phơ ngập lối đi cuốn hút bất kỳ tay săn ảnh nào.
Nhiều người nói muốn thưởng thức du lịch Tây nguyên, cách tốt nhất là bạn tự khám phá và phát hiện. Hãy đến từng buôn làng, làm người khách lạc đường bạn sẽ hiểu dân làng ở đây tốt bụng đến dường nào...
Comments[ 0 ]
Post a Comment